Nhiều người vẫn nghĩ rằng cuộc sống là một hành trình không ngừng nghỉ để tìm kiếm và tích lũy tài sản. Nhưng liệu có phải giàu có chỉ đơn giản là sở hữu thật nhiều tiền bạc và vật chất? Đã bao giờ bạn chậm lại một khoảnh khắc giữa dòng đời hối hả để tự hỏi bản thân: “Mình có thực sự giàu chưa? Và giàu có thực sự nghĩa là gì?” Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn nhìn sâu hơn, để nhận ra rằng sự giàu có chân chính không chỉ là những gì bạn sở hữu, mà còn nằm ở cách bạn sống và giá trị bạn mang lại cho cuộc đời này.
Trong nhiều năm làm kinh doanh, tôi có cơ hội gặp gỡ, làm việc cùng rất nhiều người thành công, tài sản trăm tỷ, nghìn tỷ không hiếm. Qua những lần gặp gỡ đó, tôi dành thời gian nhìn lại bản thân và chiêm nghiệm sâu sắc hơn về sự giàu có, đặc biệt muốn gửi gắm những suy nghĩ này tới các bạn trẻ đang đứng trước những ngã rẽ cuộc đời:
1. Giữa một thế giới mà ai cũng vun vén cho mình từng đồng, bạn hãy là người cho đi. Đạo trời vốn công bằng, luôn lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, người rộng lượng, hào sảng mới được trời đất ưu ái. Cho đi không mong cầu mới thực sự là nền tảng vững chắc của giàu có bền lâu.
2. Giữa một người có khối tài sản đủ cho 10 đời và một người chỉ vừa đủ sống, thật ra cả hai cũng chỉ có duy nhất một kiếp sống này. Vậy nên, đừng để con số làm bạn mờ mắt mà bỏ quên mất những điều giản dị đang hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày.
3. Mỗi người đều có một con đường riêng để vinh quang. Người tự hào vì con cái, người tự hào vì học vấn, người lại tự hào về kỹ năng hay danh tiếng, sức khỏe, cũng có người tự hào vì nhà cửa, tiền bạc. Hãy hiểu rõ bản thân và lựa chọn đúng con đường phù hợp với chính mình.
4. Thời vận không thông, mong cầu vô ích. Có những giai đoạn trong cuộc đời mà bạn làm gì cũng không thể ngóc đầu lên nổi, nhưng cũng sẽ có lúc bạn làm gì cũng thành. Góc nhìn mệnh lý thì dễ thấy, nhưng về góc nhìn cuộc sống, đó là sự tích lũy của nhân quả, của nỗ lực. Qua cơn bĩ cực chắc chắn đến hồi thái lai.
5. Tài sản không chỉ là tiền. Đó là tất cả những gì bạn đang có và tự hào về nó: gia đình, trí tuệ, sức khỏe, nhà cửa. Nếu bạn chỉ nhìn thấy tiền, bạn sẽ đánh mất cơ hội tận hưởng trọn vẹn cuộc sống này.
6. Sự giàu có thực sự là biết đủ. Như nước trong một chén trà, quá đầy sẽ tràn, gây ra những hệ quả không tốt. Y phục phải xứng kỳ đức. Giàu có vừa đủ mới giúp bạn cân bằng, bình an và hạnh phúc.
7. Muốn gia tăng tài sản, hãy mở rộng “chiếc chén trà” của bạn. Phát triển bản thân, nâng cao phẩm đức, xây dựng triết lý sống tốt đẹp, duy trì sức khỏe và sống tử tế. Chén trà lớn hơn sẽ chứa được nhiều nước hơn, đó mới là cách làm giàu bền vững.
8. Khi giàu có, ta muốn đủ thứ. Nhưng khi ốm đau, ta chỉ muốn duy nhất một điều: khỏe mạnh. Sức khỏe chính là con số 1 đứng trước tất cả những số 0 về tài sản. Không có sức khỏe, mọi thứ khác đều vô nghĩa.
9. Sinh thành hoại diệt là quy luật của tự nhiên. Hãy biết bằng lòng với cả những đỉnh cao và những lúc lao tâm khổ tứ, bởi chính những thăng trầm ấy mới tạo nên cuộc đời thực sự ý nghĩa.
10. Hãy viết di chúc khi bạn còn trẻ, khi bạn vui vẻ và hạnh phúc. Đó là cầu nối hợp lý nhất để chuyển giao tài sản, cũng là cách bạn thêm trân trọng những giây phút hiện tại của cuộc sống. Người Tây Tạng gọi điều này là “Sinh Tử Kỳ Thư”.
11. Khi bạn ra đi, bạn sẽ đi về đâu? Đó là đi vào trái tim những người ở lại. Sống đẹp, sống tốt đời đẹp đạo chính là tạo dựng tài sản vô hình nhưng trường tồn nhất. Tài và Phúc luôn song hành là vậy.
Cuộc đời này, cuối cùng, giàu có không được đo bằng khối lượng tài sản mà bạn tích lũy được, mà được đo bằng sự đủ đầy và ý nghĩa mà bạn đã sống, đã cho đi và đã chia sẻ. Đó mới là sự giàu có chân thật nhất, bền vững nhất và đáng để theo đuổi nhất.
Kabala Team
HN, 18/04/2025